Dã quỳ có nhiều tên gọi, có nơi gọi là cúc quỳ, sơn quỳ, quỳ dại... là một chi thuộc họ Cúc, có nguồn gốc từ Mexico. Đi nửa vòng trái đất, những hạt giống đầu tiên của cúc quỳ đã tìm đến miền đất mới, chọn những triền đồi, những núi non tràn nắng gió để sinh sôi, nảy nở. Hoa dã quỳ có ở nhiều nơi trên khắp Việt Nam, nhưng có lẽ chẳng ở đâu, dã quỳ lại đượm màu và dồi dào sức sống như ở mảnh đất Tây Nguyên với chất bazan nâu đỏ màu mỡ. Là loài hoa của nắng, dã quỳ sống giữa đại ngàn, chẳng ai trồng, cũng không ai vun bón, nhưng cứ đến tháng 9, tháng 10 lại mạnh mẽ vươn mình đầy mãnh liệt, như có một lời hứa với cao nguyên: báo hiệu mùa khô bắt đầu!
![Empty](https://thumb.ex-cdn.com/EXP/media.vntravellive.com/resize/900x513/files/editor1/2020/09/09/img4599-15423631149651546987522-1031.jpg)
Mùa hoa dã quỳ Tây Nguyên, từ những hiên nhà, những lối nhỏ, những con đèo cho đến cả những triền đồi đều phủ một màu vàng miên man mê mải. Dã quỳ bung nở như những vầng mặt trời bé nhỏ, dường như đã gom hết nắng để một lần khoe sắc, bùng lên rực rỡ, sưởi ấm phố núi suốt một mùa hanh hao giá lạnh.
Hoa theo chân người ra chợ bắt đầu ngày mới. Hoa theo chân người lên nương, lên rẫy trỉa bắp, hái chè. Hoa theo chân đám trẻ đến trường. Hoa rung rinh trên gùi cô sơn nữ. Hoa kết thành vòng cho đôi lứa tặng nhau. Hoa cùng bản làng múa xoang bên bếp lửa... Ở miền cao nguyên khoáng đạt này, hoa dã quỳ là một phần của cuộc sống, gắn bó với tâm hồn từng người con đất đỏ.
![Empty](https://thumb.ex-cdn.com/EXP/media.vntravellive.com/resize/900x513/files/editor1/2020/09/09/img1796-15423631148621026810257-1034.jpg)
Mùa này, từ các huyện phía tây Quảng Nam vào đến Tây Nguyên, từ Bình Phước lên Đắk Nông, từ Lâm Đồng qua những con đèo đến Gia Lai, ngược lên Kon Tum, vào đến Biển Hồ... bạn đều có thể bắt gặp những thảm dã quỳ nở vàng rực rỡ.