Trong văn hóa của người đồng bào Tây Nguyên không chỉ có nhà rông, cồng chiêng mà còn gắn với rượu cần. Từ bao đời nay, trong bất cứ nghi lễ nào của người Tây Nguyên cũng không thể thiếu đi được sự xuất hiện của rượu cần
Dọc khắp mảnh đất hình chữ S Việt Nam đều có những loại rượu mang hương vị độc đáo, riêng biệt. Nếu như ở miền Bắc nổi tiếng với rượu cúc, rượu hoa sen thì miền Nam lại có rượu nếp than; còn ở miền núi, vùng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên lại có một thức uống rất độc đáo có tên rượu cần. Rượu cần đối với người dân Tây Nguyên không chỉ đơn giản là một loại đồ uống mà còn là một nét văn hóa, là sản vật không thể thiếu trong đời sống tinh thần.
Rượu cần là gì?
Rượu cần là thức uống có cồn men, được ủ men trong bình, không qua chưng cất, khi uống phải sử dụng các cần làm bằng tre hoặc trúc để hút rượu. Rượu cần chủ yếu phổ biến với một số dân tộc ở Tây Nguyên như Ê - đê, K’Ho, Gia Rai,...
Rượu cần được coi là “quốc hồn quốc túy” của người Tây Nguyên, trở thành một nét văn hóa đặc trưng trong đời sống. Rượu thường được sử dụng trong các dịp tế lễ thần linh, những ngày hội làng hay dành đãi khách quý.
Rượu cần thường được sử dụng trong các dịp tế lễ thần linh - Ảnh: Luxury Inside
Rượu cần ra đời như thế nào?
Tên gọi rượu cần sở dĩ được bắt nguồn từ cách thưởng thức, khi uống không sử dụng ly hay chén mà dùng cần. Theo người dân tộc Tây Nguyên kể lại rằng, từ thuở xa xưa có người đến nhà thần Nhím (cách gọi trân trọng của người đồng bào dành cho con vật thiêng liêng: nhím rừng) chơi và được cho uống thứ nước trắng đục, sau khi uống có cảm giác lâng lâng nên nhờ thần Nhím chỉ cho cách ủ và dùng cần để uống rượu rồi sau gọi là rượu cần. Cũng chính vì thế mà người đồng bào dân tộc có thói quen trước khi uống phải mời Giàng (Trời) và mời thần Nhím uống trước, sau đó đến mời khách và cuối cùng là chủ nhà. Nhiều buôn làng ở huyện Di Linh và Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) vẫn còn giữ thói quen khi uống rượu cần thường buộc một sợi lông nhím vào để ghi nhớ công ơn của thần Nhím.
Rượu cần được cho là do thần Nhím dạy cách làm từ xa xưa - Ảnh: Eva
Nguyên liệu và cách nấu rượu cần Tây Nguyên
Nguyên liệu làm nên rượu cần Tây Nguyên không phải là những thứ cao sang, cầu kì mà đều là sản vật của núi rừng. Đó là gạo hoặc ngô, khoai, sắn,.. (trong các dịp lễ quan trọng thì dùng gạo nếp), vỏ trấu và một số loại cây củ khác. Rượu cần được đựng vào ché (hay còn gọi là ghè được làm bằng sành), ché càng cổ rượu lại càng ngon vì những chiếc ché cổ không tráng men sẽ dễ giúp cho men rượu bám và lên men.
Ché rượu cần của người Tây Nguyên - Ảnh: Eva
Công đoạn đầu tiên khi làm rượu cần đó chính là tạo men. Để làm nên hương vị rượu cần đặc trưng, men rượu chính là thành phần chủ đạo. Những hũ rượu cần đúng nghĩa phải được ủ bằng loại men cực mạnh làm từ lá rừng. Người làm men rượu phải đi bộ cả ngày vào rừng sâu để thu hái rễ của hơn 20 loại cây thuốc quý, người Bana thường gọi rễ cây đó là Hiam. Sau khi đem các loại rễ cây hái về sơ chế, giã nhuyễn thì trộn với nhau rồi vo thành từng viên nhỏ. Men có thể đem đi phơi nắng cho khô, cất sử dụng trong cả năm.
Men được vo thành từng viên nhỏ - Ảnh: Rượu quê
Sau khi có men người ta bắt đầu tiến hành làm rượu. Người dân sử dụng gạo hoặc ngô, khoai,.. ngâm nước trong khoảng 1-2 ngày, ngâm càng lâu lại càng ngon, càng đặc. Sau đó, đổ nguyên liệu ra làm sạch bằng nước lạnh, trộn lại cùng với vỏ trấu và bắt đầu đem đi nấu chín (theo tỉ lệ 1kg gạo, 2kg trấu), trộn cùng 1 viên men rượu có sẵn. Tùy theo từng dân tộc có cách ủ rượu khác nhau, người Xơ - Đăng thường ủ kín trong gùi khoảng 4 ngày để dậy mùi rồi mới cho vào ché, người Ê - đê thì cho thẳng vào ché sau khi trộn. Điểm chung là dưới đáy ché đều lót một lớp trấu, sau khi đổ đầy cơm rượu lại phủ tiếp lên một lớp trấu với tác dụng ngăn cho bã rượu không chạy vào trong cần khi hút.
Các nguyên liệu được trộn cho vào ché - Ảnh: Báo Gia Lai
Điểm khác biệt của rượu cần đó chính là thay vì mang đi chưng cất bằng nhiệt như các loại rượu thông thường người dân lại đem ché đi chôn sâu xuống đất khoảng 100 ngày. Thời gian chôn càng lâu thì rượu lại càng thơm ngon. Tuy nhiên rượu ngô, mỳ không thể để quá 10 ngày sẽ gây chua, nhưng nếu uống trước thời gian này lại bị đắng, chính vì thế mà người dân cần có sự tính toán thời gian rất kĩ lưỡng.
Ở Tây Nguyên hầu như gia đình nào cũng biết làm rượu cần nhưng mỗi gia đình lại có những tỉ lệ, bí quyết riêng, chính vì thế hương vị rượu cũng có sự khác nhau. Tuy nhiên có một điều mà ai cũng phải tuân theo trong quá trình làm men rượu đó chính là phải giữ cho thân thể được sạch sẽ, đặc biệt là vợ chồng không được “gần gũi” nhau vì người đồng bào cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, hương vị của men rượu. Hầu hết nghệ nhân làm rượu cần ở Tây Nguyên đều là nữ, người dân kiêng nam giới vì cho rằng công việc này cần một bàn tay khéo léo.
Hầu hết nghệ nhân làm rượu cần ở Tây Nguyên đều là nữ - Ảnh: Trung tâm xúc tiến du lịch Đắk Lắk
Ngoài loại rượu cần phải ủ trong thời gian dài thì cũng có nhiều loại rượu thóc hay rượu ngô, kê,.. với cách làm tương tự nhưng được làm với thời gian ngắn hơn.
Cách thưởng thức rượu cần chuẩn vị
Để uống rượu cần trước hết là phải chuẩn bị cần để hút rượu. Cần được làm bằng cây trúc hoặc tre nhỏ, dài từ 1,2 - 1,5m, ruột thông. Đầu cần được khoét thành khe và đục 3 - 4 lỗ nhỏ, đủ để rượu thấm ra mà không mang theo bã. Mỗi dân tộc sẽ có số cần khác nhau như người Xơ - đăng, Ê - đê sử dụng một cần, khi nào đám cưới mới sử dụng hai cần; người Ba - na, Hre thì lại sử dụng nhiều cần cùng cắm trong một ché. Khi cắm cần cũng đòi hỏi nghệ thuật, cắm làm sao cho vừa tầm của người uống và không bị tắc khi uống.
Khi cắm cần cũng đòi hỏi nghệ thuật, cắm làm sao cho vừa tầm của người uống và không bị tắc khi uống - Ảnh: Điện máy NEWSUN
Rượu cần được thưởng thức ngay trong ché. Trước khi uống rượu cần có sự chuẩn bị những cây cột để buộc rượu thành vòng tròn hay hàng ngang, tùy theo tính chất của buổi uống rượu. Cột được làm bằng tre cao khoảng 2 - 3m, bên trên trang trí những tua chỉ ngũ sắc, hoa,.. rực rỡ. Rượu sẽ được buộc chặt vào từng cột để không đổ và còn mang ý nghĩa như đường để các Giàng (Trời) xuống uống rượu chung vui.
Cột ở giữa nhà để buộc rượu - Ảnh: Dân trí
Sau khi chuẩn bị rượu thì đến công đoạn chuẩn bị pha chế. Người Tây Nguyên chuẩn bị nước lọc, lá cây thường là lá chuối khô để tạo nên cách uống chuẩn. Sau khi mở nắp ché, họ sẽ dùng tay ép chặt trấu ở bên trong bình rượu để men rượu không bị nhạt. Tiếp theo người dân lấy lá chuối hái sẵn cuốn lại chặt rồi nhét vào trong ché rượu, ngoài mục đích ép trấu thì còn dùng để ngăn không cho trấu trào lên khi rót nước vào. Sau công đoạn này mới bắt đầu cắm cần, cắm thẳng cho tới đáy, nếu nhiều cần thì chia thành nhiều góc vì cắm một chỗ rượu sẽ rất loãng. Bước cuối cùng để chuẩn bị thưởng thức đó là đổ nước lọc vào bình để giảm vị đặc của rượu, nên đổ trước khi uống khoảng 5 - 7 tiếng để nước ngấm với rượu.
Lá chuối hái sẵn cuốn lại chặt rồi nhét vào trong ché rượu - Ảnh: Sản phẩm đặc sản
Rượu cần uống không tạo cảm giác cay cay ở đầu lưỡi, khi uống sẽ cảm thấy hương vị êm và ngọt, uống rượu cần đem lại cho người ta cảm giác nhẹ nhàng, thư thái. Rượu có độ nồng nhẹ của men lá rừng khiến người uống khi thưởng thức lại muốn được uống thêm.
Uống rượu cần đem lại cho người ta cảm giác nhẹ nhàng, thư thái - Ảnh: Tỉnh ủy Gia Lai
Rượu cần tồn tại từ xưa đến nay trong văn hóa của người Tây Nguyên, tuy nhiên ở Việt Nam cũng có một số dân tộc khác cũng chế biến rượu cần theo cách riêng biệt. Cùng theo dõi kì s au để hiểu rõ hơn về ý nghĩa cũng như sự khác biệt của rượu cần Tây Nguyên đối với rượu cần các dân tộc khác.
link gốc :https://nem-vn.net/vi/774